Tin tức

Chuyển đổi xanh - Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã nhận định như vậy tại Hội thảo với chủ đề Chuyển đổi xanh - Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp do Sở Công thương TP. Đà Nẵng phối hợp cùng Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 10/10.


Ảnh: Cổng TTĐT TP Đà Nẵng

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cam kết hành động mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của doanh nghiệp.

Cũng tại hội thảo, ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, ngành Công Thương chịu trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy triển khai áp dụng 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất, áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính...; Thứ hai, là khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch – được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng "0" như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, Hydrogen...; Thứ ba, là áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... 

Theo ông Phương Hoàng Kim, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0", bên cạnh 3 nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Theo đó các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng: Việt Nam cần xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới của doanh nghiệp; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời kết hợp xu thể chuyển đổi nền kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần hiện thực hoá cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế về thực hiện phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cũng đã thảo luận và chia sẻ quan điểm về những thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero, hành trình kinh tế xanh trong xu thế vượt suy thoái và phát triển ổn định. Cụ thể, tầm quan trọng và tính cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, hướng đến kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là thực trạng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trước các yêu cầu xanh hoá sản xuất của thị trường hiện nay; tổng quan chuyển đổi xanh, quy định pháp luật của Việt Nam về Net-Zero và lộ trình thực hiện. Hội thảo cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc nắm bắt xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam, từ đó đưa ra lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp với các doanh nghiệp hiện nay.

Nguồn: moit.gov.vn

Đối tác của chúng tôi

Liên hệ bán hàng
lên đầu trang